Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Mua điện thoại cũ:Hư, không biết “bắt đền” ai

Sử dụng điện thoại di động cũ (những dòng di động này ra đời vào khoảng thập niên 90) vẫn là sự lựa chọn “hot” nhất hiện nay đối với sinh viên, công nhân lao động… Tuy nhiên, để sở hữu những chiếc điện thoại cổ ấy cũng lắm vất vả, không ít trường hợp mất tiền mà chẳng biết “bắt đền” ai.
Giá rẻ bất ngờ!
Một năm trước, những chiếc điện thoại Nokia 9110i, 3310, 8250, Motorola Star Tac-X... là “đồ bỏ đi”. “Chúng như đồ đập đá vậy, xài nó chẳng khác nào dân hai lúa”. Quang Tuấn, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM nói. Cùng lúc Tuấn cho xem chiếc Sony Ericsson W980 vừa “săn” được để thay cho chiếc Nokia 6600 fold mà theo Tuấn “cũng đã lỗi thời”.
Thu mua điện thoại cũ:Hư, không biết “bắt đền” ai
Những dòng điện thoại như Nokia 8210, 8250, 8310, 8330, 1110, 1110i, hay Samsung C100, R220, Siemens A75... đã hết “date” tự thuở nào nhưng nay lại được ưa chuộng không chỉ vì “bền, sóng tốt, pin dùng cực lâu mà còn rất rẻ hợp với túi tiền của sinh viên, người lao động có thu nhập thấp”.
Mốt xài điện thoại sang, đắt tiền lan ra nhanh chóng, ai cũng muốn khẳng định mình qua “chú dế yêu”. Không đủ 7, 8 triệu đồng mua điện thoại giống bạn bè thì tìm mua cái khác rẻ hơn với chỉ chừng 2, 3 triệu đồng nhưng “trông phải giống giống mô đen”. Điện thoại xách tay hàng Singapore, Trung Quốc… có nhiều kiểu mẫu gọn, đẹp, thịnh hành đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Lưu Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng tậu ngay một chiếc N93i Trung Quốc với “chức năng đầy đủ, dung lượng lớn, thỏa thích download phim, nhạc và có cả bluetooth, hồng ngoại”, Lưu Quỳnh nhận xét. Thế nhưng điện thoại đắt tiền, “hàng hiệu” cũng là “mồi” ngon cho bọn đạo chích. Liên tục những vụ trộm cắp hoành hành khắp các nơi, từ phòng trọ, ngoài đường cho đến giảng đường… và điện thoại cổ là sự lựa chọn “an toàn”.
Xuất phát từ nhu cầu đó, các điểm bán điện thoại cổ ở vỉa hè bắt đầu được nhiều người quan tâm và tìm đến. Tại góc đường Đinh Tiên Hoàng-Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh), đường 3 tháng 2, Lê Đại Hành, Tô Hiến Thành, Hùng Vương… luôn đông nghẹt người đến lựa chọn, đặc biệt là sinh viên. “Tưởng vậy mà không phải vậy, điện thoại cổ nhưng trông “ngon” phết. Với những điện thoại “cùi bắp” như thế này thì chẳng sợ trộm “viếng”. Thanh Bình, ĐH Bách khoa cho biết.
Coi chừng tiền mất tật mang
Hồng Thắm, Mai Vân, Văn Hùng (công nhân khu chế xuất Tân Thuận) lâu nay không dùng điện thoại vì thu nhập chẳng bao nhiêu. “Nghe, gọi tốt là được, mẫu mã không quan trọng, chỉ 100, 200 ngàn, thậm chí chỉ cần 50 ngàn đồng cũng có thể “alô” ngon ơ”.
Dế cổ hồi sinh mạnh mẽ nhất là trong thời điểm các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tung ra sim điện thoại khuyến mại để hút khách. Dù đã có điện thoại, thay vì nạp thêm tiền vào tài khoản thì nhiều người lại “rước” thêm dế mới để thỏa thích gọi và nhắn tin cho bạn bè, người thân. Anh Công (thợ hồ, quận 4) khoe chiếc Panasonic G70: “Có hai cái, phòng lúc sim kia hết tiền. Mỗi tháng chỉ cần bỏ ra 100 ngàn đồng để mua 2 cái card mệnh giá 50 ngàn đồng/cái, tài khoản khuyến mại 100% giá trị thẻ nạp thì có thể vi vu gọi mà không phải tháo lắp sim vừa mất thời gian vừa mau hỏng máy”.
Tuy nhiên, để sở hữu được chiếc điện thoại cổ không ít người đã “mắc bẫy” vì mua nhầm điện thoại đã hỏng hóc, pin không nạp điện hoặc sóng chập chờn liên hồi mà chẳng biết kêu ai. Anh Minh, thợ cửa sắt ở quận 9 cho biết: “Mình mua chiếc Nokia 3310 với giá 100 ngàn đồng, tại chỗ mua gọi thử thì sóng tốt lắm, nghe rõ nhưng về đến nhà thì không như vậy. Hai ngày sau, chỉ cần nhấn phím nghe là nghe “tít tít tít” báo hiệu hết pin. Khổ nỗi, tiền mua pin mới để thay thì lại bằng số tiền bỏ ra mua chiếc điện thoại”.
Tệ hại hơn, anh Nguyễn Thành, bảo vệ Công ty Trường Xuân (huyện Bình Chánh) bị “tai nạn” khi vừa quay ra từ một “cửa hàng” điện thoại cũ trên vỉa hè đường Hùng Vương. Thành kể: “Thấy chiếc Siemens C75 còn mới, kiểu dáng đẹp mình đồng ý mua với giá 200 ngàn đồng. Vừa dắt xe về, một người đàn ông bước ra từ một con hẻm gần đó chặn đầu, nói: “Đây là điện thoại của tao mới bị giật, mày không trả thì tao la lên người ta đập mày chết đó. Giải thích cách nào cũng không xong, tìm đến người bán hàng thì họ cố tình làm ngơ “Mỗi ngày khách của tôi biết bao nhiêu làm sao nhớ nổi ai là ai, mua lúc nào”. Hết cách, để được yên, tôi đành phải đưa điện thoại cho chúng và từ đó đến nay chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ đi mua điện thoại cũ nữa”.
Anh Chiến, chủ cửa hàng điện thoại ở đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3 cảnh giác: “Hầu hết điện thoại di động cổ đều được lắp ráp từ những linh kiện “rác” mà các cửa hàng đã thải ra. Mua hàng này thì tùy vào may rủi thôi, nhưng tốt hơn hết nên tìm đến những cửa hàng hẳn hoi, lỡ có trục trặc gì thì còn nói chuyện được”.
Thanh Nam - Gia Huỳnh

1 nhận xét:

  1. Bài viết của admin rất hay, cảm ơn bạn đã share. các bạn có thể tham khảo thêm Trung tâm chuyên sửa chữa điện thoại Địa chỉ sửa chữa điện thoại hư, hỏng

    Trả lờiXóa